Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, gần đây mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả, kết hợp yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
Hệ thống quan trắc PAM Air với mạng lưới đo lớn nhất Việt Nam cũng cho thấy, ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội, mà còn lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Theo nhận định của PAM Air, những điểm ô nhiễm lên cao bất thường thường liên quan hoạt động đốt không kiểm soát ngoài trời, hoặc gần nơi phát thải công nghiệp.
Dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài trong vài ngày tới cho đến khi một đợt gió mùa Đông Bắc mới tràn xuống nước ta. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 3 sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí.
Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định, từ nay đến tháng 3 tới sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi, khí thải
Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội, đề nghị triển khai khẩn một số biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả trên Cổng Thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của UBND, đồng thời kết nối về Bộ để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, đơn vị chức năng cần kịp thời cảnh báo, cung cấp thông tin cho cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông, hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ.
Bộ đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Riêng đối với Hà Nội và TPHCM, Bộ yêu cầu đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Bộ cũng đề nghị hai thành phố lớn điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.
Với các công trình xây dựng, nguồn phát thải bụi mịn quan trọng, Bộ TN&MT đề nghị đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải. Với các cơ sở công nghiệp, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về sở TN&MT theo quy định.
Đặc biệt, Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội và TPHCM tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt.