Ứng dụng Drone trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Drone là loại máy bay hay tàu không người lái và được điều khiển từ xa hoặc tự động dẫn đường bằng máy tính trên không, ngày nay đang được thế giới biết đến với những ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thực tế hiện nay chúng ta vẫn đang chứng kiến những sự cố cháy, nổ hoặc sự cố thiên tai, thảm họa có tính chất phức tạp và tính nguy hiểm cao. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) một cách nhanh chóng, hiệu quả và vẫn bảo đảm an toàn cho lực lượng chữa cháy và CNCH.

Với lợi thế về kích thước, khả năng di chuyển và không cần có người lái theo thiết bị, Drone đang được tích cực nghiên cứu và giới thiệu với thế giới về hình ảnh một thiết bị hiệu quả và an toàn trong việc hỗ trợ công tác chữa cháy và CNCH. Quả thực có thể kể đến một số ứng dụng cụ thể đã được nghiên cứu phát triển như công tác thăm dò hiện trường, tìm kiếm nạn nhân, hỗ trợ hoặc trực tiếp thực hiện việc CNCH, trực tiếp thực hiện công tác chữa cháy. Những giá trị chính mà thiết bị này mang lại đó là tiết kiệm thời gian và tài nguyên, bảo đảm an toàn cho lực lượng chữa cháy và CNCH, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn ở những vị trí mà con người khó có thể thực hiện với các phương tiện thông thường.

Không phải là một ý tưởng quá mới mẻ, ứng dụng của Drone đã được cụ thể hóa trong một số sản phẩm điển hình như TU, Riptide, Griff, Net Guard hay Aerones. Sự phổ biến và độ tin cậy của Drone đã giúp thiết bị này được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào biên chế thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn. Điển hình là tại Mỹ, Pháp, Đức… Vụ cháy nhà thờ Đức Bà ngày 15/4/2019 chính là ví dụ cụ thể và rõ ràng về giá trị của Drone trong công tác chữa cháy và CNCH. Trong một bài phỏng vấn với The Verge, phát ngôn viên Đội Cứu hoả Gabriel Plus cho biết drone đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế đến mức tối đa thiệt hại cho ngôi thánh đường và cho người tham gia công tác chữa cháy và CNCH.

Các Drone này cơ bản sẽ gồm một thiết bị điều khiển từ xa và một máy bay không người lái, trong đó máy bay có thể được trang bị từ 1 đến 12 cánh quạt, camera phục vụ mục đích dò tìm và các trang thiết bị khác tùy vào mục đích sử dụng. Với một số Drone được sử dụng cho công tác chữa cháy và cứu người, để đạt được sự ổn định, máy bay có thể nặng tới 55kg và mang được tải trọng tới 145kg.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà Drone mang lại thì vẫn có lo ngại không nhỏ về vấn đề an ninh. Mới đây nhất Bộ Nội vụ Mỹ thông báo ngừng sử dụng các drone do Trung Quốc sản xuất hoặc có linh kiện từ nước này để đảm bảo an ninh, an toàn, trừ các Drone dùng cho mục đích khẩn cấp.

Như vậy, có thể thấy rằng việc nghiên cứu, phát triển sản xuất Drone trong nước sẽ là một định hướng quan trọng, giúp sớm đưa thiết bị này trở thành công cụ đắc lực để hỗ trợ lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực thi nhiệm vụ của mình. Và thực tế hiện nay tại Việt Nam đã có không ít đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất Drone với nhiều tính năng khác nhau, hướng tới việc ứng dụng Drone trong công tác chữa cháy và CNCH, giúp nâng cao hiệu quả công tác này cũng như giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.